Cà phê, chuyện mình, chuyện người


Cà phê, chuyện mình, chuyện người

Người nghiện cà phê thường chỉ thích một loại cà phê cố định. Giống như việc những người đàn ông chung thủy chỉ có một bà vợ vậy. Anh có thể thử nhiều loại, Tây Tàu Âu Mỹ, nhưng chỉ cần một ngụm, một ngụm cà phê đúng khẩu vị của anh, anh sẽ yêu nó cả đời, rồi đi đâu anh cũng hỏi có loại cà phê này không, anh sẽ tìm cho bằng được nó, anh sẽ rước về bằng được nó, để trang trọng trong tủ bếp, để mỗi sáng ra lại gật gù nhâm nhi, hãnh diện, thoải mái, sảng khoái, như rước được một cô vợ hiền về vậy. 

Tôi thích uống cà phê, không biết thích từ bao giờ, nhưng chắc chắn là khi không còn nhỏ. Lúc nhỏ, mỗi sáng tôi hay thấy bố uống cà phê đọc báo, xin bố thử thì thấy đắng ngắt, lè lưỡi, không thể uống được. Ấy vậy mà lớn lên lại thích cà phê, nói thích thì hơi nhẹ quá, nghiện thì đúng hơn.

Cà phê đích thị là thứ gây nghiện, bởi một khi đã quen mùi rồi, chỉ thấy mùi là muốn uống mãi. Cái vị đắng thanh quyện với vị ngọt nhẹ. Đắng đầu lưỡi, ngọt cổ họng, thấm vào vị giác nhưng có cảm giác như thấm vào máu. Nhắm mắt cho lần nhấp môi đầu tiên để hưởng thụ cái mùi thơm quyến rũ đến nao lòng. Cà phê ngon như một thứ mĩ vị của Chúa ban cho loài người, ban cho những kẻ không muốn ngủ.

Người nghiện cà phê thường chỉ thích một loại cà phê cố định. Giống như việc những người đàn ông chung thủy chỉ có một bà vợ vậy. Anh có thể thử nhiều loại, Tây Tàu Âu Mỹ, nhưng chỉ cần một ngụm, một ngụm cà phê đúng khẩu vị của anh, anh sẽ yêu nó cả đời, rồi đi đâu anh cũng hỏi có loại cà phê này không, anh sẽ tìm cho bằng được nó, anh sẽ rước về bằng được nó, để trang trọng trong tủ bếp, để mỗi sáng ra lại gật gù nhâm nhi, hãnh diện, thoải mái, sảng khoái, như rước được một cô vợ hiền về vậy. Đối với tôi, đó là cà phê Buôn Ma Thuột.

Cà phê Ban Mê. Thứ cà phê của cái xứ có cái nắng, có cái gió, và có “cái đó” như mấy ông xuyên tạc hay hát bậy. Rất thơm, rất mịn. rất nặng. Không phải thứ cà phê xay theo kiểu công nghiệp, mà là xay thủ công, ít “màu”, ít phụ gia, chỉ có thể mua tại nhà. Cà phê Ban Mê, pha phải bằng phin, ngồi chờ từng giọt cà phê tí tách, rất đặc, màu cánh gián hấp dẫn, không quá đen, không quá nâu, đích thị phải là màu cánh gián, óng lên, quyến rũ. Châm nước không nhiều, không ít, vừa phải, để có chỉ một ít, một ít cà phê cao hơn đáy cốc chút chút thôi. Bỏ phin ra, mùi cà phê ngào ngạt xông vào mũi. Hít. Một hơi. Hai hơi. Ta có em rồi. Ta muốn thưởng thức em ngay. Ta muốn say. Mà người uống không quen sẽ dễ say thật.

Lần đầu tôi uống cà phê Ban Mê tôi say. Nôn nao và chuếnh choáng. Nhưng vẫn tỉnh. Tỉnh để nhận thấy vị cà phê đăng đắng trong cổ họng. Tỉnh để biết rằng vẫn còn muốn uống nữa. Chỉ một ít, rất nhỏ, thoảng như nhấp môi, thoảng như một ngụm, đâu đó vừa đủ để thưởng cái vị cà phê một lần nữa, để liếm môi thòm thèm. À, ta biết cách pha để có em rồi. Đặc, nóng vừa, đường đủ ngọt, hoặc chút sữa đặc ngầy ngậy thơm thơm. Một ly nhâm nhi có cả tiếng đồng hồ. Không vội được, không một phát ăn ngay được, mà phải từ từ, bình tĩnh, nhẹ nhàng, thả mình trôi theo dòng suy nghĩ, theo ánh nhìn vu vơ đâu đó, hoặc bản nhạc vàng buồn buồn trong cái quán cà phê Ban Mê. Ta yêu em từ lúc đó.

Cà phê mỗi ngày đã thành thói quen bất di bất dịch. Khổ nỗi là ở Hà Nội, nên không phải lúc nào cũng đặt mua được cà phê Ban Mê. Đôi khi đành phải tạm chấp nhận những cốc cà phê nhàng nhàng nhạt nhạt ở ven đường, và bao giờ cũng phải kêu “pha đặc vào em nhé”. Nhưng uống cà phê là một chuyện, vì sao uống lại là chuyện khác. Đôi khi chỉ là buổi sáng cần thứ gì cho tỉnh táo sau một đêm làm việc căng thẳng. Đôi khi là muốn tránh xa những con đường ồn ào, đầy hơi người và khói xe máy. Đôi khi là để tập trung viết vài ba bài báo kiếm cơm. Đôi khi chỉ là vì thèm quá phải uống. Mỗi khi muốn một mình tôi đều uống cà phê. Nó khiến cho đầu óc suy nghĩ thẳng thớm, khiến tạm quên đi những thứ náo nhiệt phù du, vồn vã và bụi bặm. Nhìn đường phố, hay một cái hồ nào đó, suy ngẫm, nhưng nhẹ nhàng thôi, rồi uống một hớp cà phê, rồi lại ngồi, lim dim mắt, rồi chợt nhận ra điều gì đó thú vị, mỉm cười một mình, rồi hớp nữa, cứ như vậy cho đến khi lại sẵn sàng hòa vào dòng người tấp nập ngoài kia.

“Khi thấm được vị đắng của cà phê, có nghĩa là ta đã mất đi nhiều thứ”.

Tôi cũng thích uống cà phê và nói chuyện với bạn bè. Phần lớn là đàn ông. Những câu chuyện bên bàn cà phê không phải những thứ tầm phào nói nhiều quên nhiều như bàn trà đá, cũng chẳng phải chén chú chén anh cười cười nói nói như bàn nhậu, đó là những câu chuyện đời đáng ngẫm, đáng để tâm, đó là những câu chuyện của những con người “đã mất đi nhiều thứ”. Uống được cà phê thường lớn rồi, và nghiện cà phê thường trải nhiều rồi, đặc biệt là những ai nghiện được cà phê đen đơn thuần. Thế nên nói chuyện với họ hay lắm.

Một ngụm cà phê, một hơi thuốc, phả ra, thả vào những lời có nhuốm một chút hoặc là thâm thúy, hoặc là đắng cay, hoặc là ngọt nhạt, hoặc là mỉa mai sự đời. Chuyện kiếm tiền, chuyện đam mê, chuyện tình tan vỡ, chuyện gia đình khó khăn,… uống cà phê và nói, trút ra những tâm sự đáy lòng, cho người nghe được, hiểu được. Bởi uống cà phê là uống lâu, bởi cái vị ngọt, vị đắng của cà phê hợp với kiểu câu chuyện như thế, nó không cao sang, đậm màu tiền bạc làm ăn, cũng không phù phiếm, “chém gió”, nó THẬT. Tôi không hay lê la quán xá, nhưng mỗi khi có người gọi “đi cà phê”, là tôi lại thấy hứng khởi lắm, bởi vì tôi biết là có người đang muốn nói “thật”, thứ hiếm hoi trong cái xã hội nhiễu nhương giờ. Bạn bè quý đến nhà tôi cũng hay mời cà phê, và chắc chắn sẽ là thứ cà phê Ban Mê tôi thích, do chính tay tôi pha, như một lời tâm tình nhắn gửi rằng: “Quý mày lắm tao mới mời mày cái món này đấy nhé”.

← Bài trước Bài sau →

Đăng ký nhận tin

Đăng ký Email để được nhận thông tin về các chương trình ưu đãi từ AEROCO COFFEE