Văn hóa Việt trong tách cà phê phin

Theo dấu chân người Pháp du nhập vào Việt Nam những thập kỷ đầu của thế kỷ 19, thổ nhưỡng của vùng đất Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió từ đó đã nuôi dưỡng một “hồn Việt” trong hạt cà phê đặc sản. Qua dòng chảy thăng trầm thời gian, cà phê phin đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong cuộc sống đời thường của bao thế hệ người dân đất Việt. Cùng Aeroco Coffee ngược dòng lịch sử để làm sống lại một nền văn hóa lâu đời nhé!

Cà phê phin thuở ban đầu là kết tinh của giao thoa văn hóa

Quay trở về năm 1857, cà phê theo chân các nhà truyền giáo Pháp đến với Việt Nam, qua những lần thay đổi đất canh tác, cà phê đã tìm ra quê hương đích thực của mình là vùng đất đỏ bazan màu mỡ cùng khí hậu ôn hòa rõ rệt hai mùa - Tây Nguyên. Từ đó, hạt cà phê tuy là đứa con ngoại quốc nhưng được mẹ thiên nhiên đất Việt nuôi dưỡng, đã trở thành thức uống mang đậm tinh hoa văn hóa của đất nước hình chữ S bao đời. Cà phê Việt Nam không chỉ là biểu trưng văn hóa, mà còn là đàn anh trong ngành công nghiệp sản xuất cà phê thế giới với sản lượng lớn ấn tượng.

Xem thêm:  Những yếu tố tạo nên một ly cà phê ngon

Văn hóa cà phê ở hai miền Nam Bắc

Trước 1975, ta nhìn thấy ly cà phê phin là đặc điểm phân biệt trong cuộc sống đời thường của người dân. Thời đó, ở miền Bắc nói chung hay ở Hà Nội nói riêng, rất phổ biến những quán cà phê gia đình tự pha chế và phục vụ, lấy đúng tên của chủ quán như cà phê Giảng, cà phê Nhân, cà phê Lâm,…Người ta chuộng khí trời se lạnh, ngồi ngắm nhìn từng giọt đắng thời gian chảy qua kẽ cà phê phin bên các hàng quán đơn sơ của gia đình, tuy cũ kỹ nhưng lại không thể tìm thấy cảm giác đó ở nơi nào khác, nơi “quán cóc liêu xiêu một câu thơ”. Ai đi xa về cũng nhớ khoảnh khắc nhom nhem ngồi bên hàng quán ven đường, vu vơ đôi ba câu chuyện không hồi kết, rít điếu thuốc lào rồi phả nhẹ làn khói vào không trung, nhâm nhi ly cà phê phin quen thuộc. Hương cà phê ngào ngạt váng vất, vị cà phê ngọt bùi mang bao nét bình yên của một vùng đất cổ kính.

Hàng quán cà phê Hà Nội

Quay trở vào Nam để làm sống lại nét phồn thị một thời của Hòn ngọc Viễn Đông, để cảm thấy cà phê phin không chỉ mặc lớp áo trầm tư lự của Hà Nội rêu phong mà còn vồn vã trong nhịp sống tấp nập vốn dĩ của một Sài Gòn hoa lệ. Cà phê phin ở đây được thưởng thức theo một cách rất khác. Các quán cà phê là nơi lui tới của sĩ quan quân đội, những cô gái tân thời thướt tha trong váy áo dài Trần Lệ Xuân, từ những tri thức Sài thành đến những tay chơi khét tiếng trong giới giang hồ,… họ cùng đến đây để bàn công việc, giao lưu gặp gỡ, hay chỉ đơn giản thường thức cái thú mê cà phê của Sài Gòn tấp nập. Người ta nói vì đó mà bên tách cà phê phin, mọi ranh giới về tầng lớp giàu nghèo, xuất thân của con người trong xã hội như được xóa bỏ, để tìm về phần hồn đúng nghĩa bên thức uống mộc mạc này.

Văn hóa cà phê Sài Gòn

Ly cà phê phin thời bao cấp

Sau giải phóng, những ngày đất nước gặp khó khăn khi xây dựng lại nền kinh tế, hạt cà phê từ đó cũng trở thành vật phẩm xa xỉ và cấm kinh doanh trong nước. Người ta không còn thấy ly cà phê trong những cửa tiệm sang trọng, mà chỉ còn lác đác những tách cà phê phin bên vỉa hè, hoặc người ta bí mật, lén lút truyền tay nhau. Song, cái hay của cà phê giai đoạn này là bất biến giữa dòng đời vạn biến, nên thế mà người ta gọi cà phê phin là văn hóa của người Việt – vẫn âm ỉ tồn tại bất chấp những khó khăn khắc nghiệt của thời cuộc. Cà phê lúc này không chỉ là sự thức tỉnh cho một dân tộc sau thời mất nước đau thương mà còn là chất keo kết dính những tấm lòng yêu nước kiên trung.

Từ quán cóc đến thương hiệu Việt Nam

Đi qua bao thăng trầm của lịch sử, người bạn đồng hành trong cuộc sống của người dân Việt ngày nào đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cà phê toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành top 5 quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới và đứng đầu về sản lượng hạt Robusta bên cạnh Mexico, Colombia, Brazil và Cộng hoà Dominicana theo đánh giá của ICO.

Cà phê - từ quán cóc đến thương hiệu Việt

Xem thêm: Nét văn hóa cà phê phin của người Việt

Dù cuộc sống có vần xoay, con người ngày càng trở nên vội vã cũng như sự đón nhận của nhiều loại thức uống mới lạ hơn ngon hơn, ít có ai dư dả thời gian để ngồi chờ những giọt cà phê chảy chậm qua chiếc phin truyền thống, nhưng cà phê nói chung hay cà phê phin nói riêng vẫn là một điều đáng trân quý mà người ta vẫn thường tìm về như chính một phần tâm hồn của người con đất Việt, có đắng chát, ngọt bùi, có chua nồng thanh tao nhưng vẫn ngát hương như bản chất là vậy.

← Bài trước Bài sau →

Đăng ký nhận tin

Đăng ký Email để được nhận thông tin về các chương trình ưu đãi từ AEROCO COFFEE